Tinh thần ấy bạn dễ nhận ra ở “bức chân dung” của Tổ Bộ môn được lưu giữ theo dòng chảy thời gian những gần nửa thế kỷ. Ký ức hiện hữu tự nhiên trong mỗi chúng ta. Những Thầy Cô giáo như những cánh chim đầu đàn, những người đặt viên gạch lót đường cho Khoa và Trường...
Thầy Nguyễn Văn Giai – Chủ nhiệm Khoa đầu tiên và Chủ nhiệm Bộ môn Văn học nước ngoài đầu tiên, dài lâu nhất, chuẩn mực mà tinh tế, cực đoan đến hết lòng trong tính cách Nga, mang điệu hồn bạch dương xanh. Giống với Stendhal – đến với tiểu thuyết như một thị hiếu phân tích chính mình, người lãng mạn có ý thức tự phê và hoài nghi trên hành trình tìm kiếm chân lý và đồng cảm đam mê... Thầy Nguyễn Mạnh Hùng vừa tinh quái vừa đầy ma thuật của một Magician ngôn ngữ dẫn dắt SV vào những “quy luật sự thật” Đỏ và đen, những tòa lâu đài phương Tây, Tu viện thành Parme... đầy những mê cung mê lộ mà nhất quán nhờ vào một thứ chủ nghĩa cá nhân có hệ thống ở tính huấn ngã (égotisme). Thầy Hà Tùng Sơn... cứ như cốt cách cây Tùng từ nguồn mạch Lam – Hồng chuyển di vào miền sông Nhật Lệ giọt nước mắt mặt trời và cả Thạch Hãn giọt mồ hôi của đá, mang cả núi Văn học Hoa Hạ về dựng giữa giảng đường Phố Biển. Tất nhiên Thầy nhiệt tình quá trong vẻ lạnh bên ngoài ở cảm hứng mang về và thay đổi, cũng như Lỗ Tấn, hết Gào thét rồi lại Bàng hoàng... lặng mình cô độc với ngọn cô đăng giữa miền Cỏ dại (Dã thảo). Thầy Lê Nguyên Cẩn lặng lẽ thâm trầm sâu sắc theo kiểu... lạnh Đông Âu, tưởng muôn đời “Vũ Như Cẩn” mà luôn vận động về trước với khả năng làm việc đầy nghị lực đam mê... cỡ Balzac, kết hợp cả duy lý phương Tây và duy linh phương Đông – với tinh thần hiệp thông với Thượng đế và huyền nhiệm của sự vật trong... Cái kỳ ảo Miếng da lừa. Thầy Ngô Quang Hiển dạy từ những khóa đầu tiên, còn trẻ hơn cả SV bấy giờ mà trầm tư mặc tưởng như những pho tượng Thiền ngàn năm ở vương quốc tâm linh. Ấy vậy mà pho tượng ấy cứ hấp háy cười – rũ. Thầy Đăng Vũ tài hoa ở Ô cửa tuổi 20, trong Vòng phấn Kavkaz, gõ đàn bất chợt những Hạ trắng, Diễm xưa, Biển nhớ, Phôi pha... Cô Kim Hạnh vừa có cái sắc sảo điệu đà của cô gái Bắc hà vừa chân tình hiu gió nồm Đông, kết hợp một kiểu Juliet "sinh ra để yêu" ở phương Tây và một "cành hạnh vượt tường" ở phương Đông, vừa hồn nhiên mạnh mẽ vừa nhạy cảm trong cả Văn và Người... như Hemingway ở Việt Nam, một ngọn núi khổng lồ Hugo trong tôn giáo tình thương...
Và cứ thế trong dòng chảy cuộc đời, dòng chảy văn chương, quy trình đào tạo, dạy học và nghiên cứu của sự sống nghề gánh nghiệp... chính những cựu SV trong “cái lò” – Biển Quy Nhơn được đào luyện, trưởng thành, kế tục, đảm nhiệm, lưu giữ và sáng tạo... cho hôm nay và mai này trong những trách nhiệm chuyên sâu được xã hội phân công, với những Thầy Cô giáo: Kim Thanh, Lê Từ Hiển, Đỗ Kim Hảo, Mai Việt Trung, Nguyễn Đức Tuấn, Đoàn Trang, Nguyệt Trinh, Lê Minh Kha... Trẻ nhất, cũng đã có “tuổi nghề” những trên 10 năm, mỗi người một nét duyên riêng.
Văn học nước ngoài bao giờ chẳng mới lạ, hay và hấp dẫn trong thế giới mở... Nhưng, khó đến... đáng yêu, bạn nhỉ?!
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn